“Bí kíp” để thuyết phục đối phương trong giao tiếp

Đã bao giờ bạn cảm thấy khó khăn khi muốn thuyết phục một nhà tuyển dụng rằng bạn là một ứng viên đầy tiềm năng? Hay thậm chí là thuyết phục crush rằng mình sẽ là một mẫu người yêu lí tưởng? Thuyết phục người khác là một kĩ năng quan trọng trong giao tiếp có thể ảnh hưởng đến đời sống xã hội, mối quan hệ và cơ hội thăng tiến trong bất cứ ngành nghề nào.

Sau đây là cách để lời thuyết phục của bạn “thuyết phục” hơn:

1. Quan tâm đến tính cá nhân.

Thuyết phục là một quá trình dùng thông điệp, ý kiến của bản thân để thay đổi thái độ, suy nghĩ và hành động của người khác. Chúng ta đã bắt đầu học được kĩ năng thuyết phục từ khi còn rất nhỏ. Từng ánh mắt hào hứng, mỗi lần mè nheo bố mẹ để được cái kẹo, chiếc xe đồ chơi đều là những bước đầu tiên ta trau dồi kĩ năng thuyết phục người khác. Và dĩ nhiên, cách ta “thuyết phục” bố mẹ sẽ khác với cách ta “thuyết phục” crush hay một khách hàng khó tính. Chính vì vậy, điều cần quan tâm đầu tiên khi muốn thuyết phục một người nào đó, chính là “đối tượng được thuyết phục”. 

Độ tuổi

Một bài nghiên cứu tâm lí học của Viện Hàn Lâm Khoa Học Quốc Tế (National academy of Sciences) đã chứng minh rằng đối tượng dễ bị thuyết phục nhất là khi con người ở độ tuổi cuối vị thành niên và bắt đầu hành trình làm một người trưởng thành. Sau khi vượt qua độ tuổi này, thường con người bắt đầu xây dựng được nền tảng chính kiến riêng và khó thay đổi hơn. Đó cũng là lí do tại sao các bạn trẻ từ 17 đến 28 tuổi thường là đối tượng chính của đa phần các chiến dịch marketing và những kẻ lừa đảo. Tuy nhiên, thứ bạn thuyết phục sẽ có tác dụng khác nhau đối với tâm lí của từng lứa tuổi tùy theo vấn đề họ quan tâm.

Cá tính

Nhà khoa học Bryan et al. (2016) đã làm một thí nghiệm tâm lí với hơn 500 học sinh trung học ở Mỹ trong một chiến dịch thuyết phục học sinh ăn rau củ thay vì thức ăn nhanh. Với một nửa số học sinh, nhà khoa học đã điều chỉnh thông điệp quảng cáo để liên quan với những gì các cá nhân yêu thích thay vì nhấn mạnh vào tác hại của thức ăn nhanh. Với một nửa số học sinh còn lại, Bryan et al. (2016) chỉ truyền đến những thông điệp về những món nên ăn và không nên. Kết quả là, những số liệu cho thấy những thông điệp được thay đổi có chủ đích nhắm đến sở thích của các bạn trẻ thực sự có sức ảnh hưởng hơn và hoàn toàn có thể thuyết phục được các bạn học sinh thay đổi thói quen ăn uống. Điều này cũng đồng nghĩa rằng khi ta muốn thuyết phục một ai đó, quan tâm đến nhu cầu, sở thích cá nhân và điều chỉnh thông điệp sẽ là một điểm cộng rất lớn để ta thành công.

2. Tương đồng giúp ta gần nhau hơn.

Con người thường tin tưởng vào nguồn thông tin đến từ một người có nét tương đồng với họ. Rất nhiều người làm sale, vì lẽ đó, đã nắm bắt được tâm lí khách hàng qua cách ăn mặc, cử chỉ, lời nói để cố gắng “bắt chước” chính những hành vi nhỏ của khách hàng. Điều này đã được khoa học chứng minh rằng nó thực sự hiệu quả. Bởi lẽ, chỉ khi có sự tương đồng, niềm tin mới có thể được xây dựng và làm bước đệm để tạo nên mối quan hệ. Mẹo này thường được áp dụng với những người ta vừa làm quen. Khi có được niềm tin cơ bản, con người ta sẽ dễ dàng cởi mở hơn và tiếp nhận những ý kiến, quan điểm mới. Nhờ đó, ta có thể thiết lập được nền tảng cho một mối quan hệ. Ngày nay, mạng xã hội giúp việc tìm kiếm thông tin về các cá nhân khác ngày càng dễ dàng và đó là một công cụ vô cùng hữu dụng để ta mở đầu cho vô vàng mối quan hệ trong thế giới phẳng ngay cả khi chỉ biết nhau qua chiếc màn hình nhỏ. Tuy vậy, đôi khi cũng có nhiều người lợi dụng những thủ thuật tâm lí để lợi dụng và thao túng niềm tin của người khác. Chính vì thế, ta cần phải có kiến thức về các kĩ năng giao tiếp xã hội, hiểu nhiều hơn về tâm lí người khác. Đồng thời, không nên dùng thủ thuật thao túng tâm lí vì mục đích xấu nhưng hãy luôn cảnh giác để tránh bị lừa gạt.

3. Nâng giá trị – nâng độ đáng tin cậy của bản thân.

Đánh giá sự đáng tin của người khác qua giá trị, chức vụ xã hội, sự tài giỏi, vẻ bên ngoài của một người là điều mà chúng ta đều làm hằng ngày trong vô thức. Điều này hoàn toàn dễ hiểu vì khi nhìn thấy một người ăn mặc sang trọng hoặc là một người có chức vụ cao, ta thường có “quán tính” liên hệ họ với những người tài giỏi, uy tín, có kiến thức,… Điều đó khiến ta dễ tin tưởng vào họ hơn. Những chiếc video quảng cáo sản phẩm làm đẹp, thuốc men thường luôn được gắn liền với hình ảnh những vị bác sĩ, chuyên gia. Những sản phẩm được đại diện bởi những thần tượng nổi tiếng… Đó đều là những ví dụ về sự “thu hút” niềm tin của những người có giá trị cao. Chính vì vậy, để trở thành một người có được niềm tin của người khác, chúng ta cũng cần không ngừng nâng giá trị của bản thân và dựng nên chữ “tín” lâu dài. Luôn học hỏi, chăm chút cho vẻ ngoài của bản thân nhiều hơn, cố gắng tự tin và xác định được giá trị của chính mình là những cách để ta mỗi ngày nâng cao vị thế của bản thân. Đồng thời, ta cũng nên cảnh giác và tỉnh táo trước những người có vẻ ngoài sang trọng, đẹp đẽ, địa vị, học thức cao, tràn đầy hứa hẹn nhưng chưa chắc hoàn toàn đáng tin. 

4. Nghệ thuật truyền tải thông điệp.

Khi muốn thuyết phục người khác, cách ta truyền tải thông điệp là vô cùng quan trọng. Trong từng trường hợp, chỉ sử dụng từ ngữ khác nhau đã khiến thông điệp của ta bị lệch nghĩa và nhận được phản ứng hoàn toàn khác của đối phương. Sau đây là một mẹo để thông điệp của bạn trở nên thuyết phục hơn.

Độ dài thông điệp

Theo các nghiên cứu tâm lí học, thông điệp ngắn, rõ ràng và nhấn mạnh vào trọng tâm ngay từ đầu được xem là dễ thuyết phục người khác nhất. Vì vậy, khi quảng bá cho một sản phẩm, như Milo hay Viettel, người ta thường chỉ dùng những slogan ngắn gọn như “Nhà vô địch làm từ Milo” hay “Hãy nói theo cách của bạn”. Những câu tagline như vậy thường dễ đọc và thu hút hơn những đoạn văn dài giới thiệu về công dụng sản phẩm. Vì vậy, khi muốn thuyết phục hay “quảng bá” chính mình cho một ai đó, hãy ưu tiên những thông điệp ngắn, xúc tích và nêu rõ quan điểm của mình.

Lặp đi lặp lại

Một thủ thuật tâm lí của các nhà quảng cáo đó là lặp đi lặp lại thông điệp. Điều này đã được chứng minh rằng có gây nên sức ảnh hưởng đến con người bằng cách tạo sự quen thuộc và dần khiến họ chấp nhận thông điệp ấy trong vô thức. Bạn có biết hình ảnh ông già Noel lúc ban đầu là một ông già khá cao và gầy gò, đội mũ nhọn và có râu thẳng? Và đặc biệt là vào những năm 1800, ông già Noel thường xuất hiện với bộ quần áo màu xanh lá cây chứ không phải màu đỏ? Thật ra, từ những năm 1920, tác phẩm nổi tiếng của Saint Nick khi làm chiến dịch quảng cáo cho Coca Cola đã thay đổi hình tượng của ông già Noel với bộ quần áo màu đỏ. Sau đó, các quảng cáo của Coca Cola về một “ông già Noel đỏ” đã được xuất hiện khắp nơi và nhiều đến nỗi người ta bắt đầu hoàn toàn chấp nhận hình ảnh mới này của ông già Noel và nó trở thành một phần trong văn hóa ngày Giáng Sinh ở nhiều quốc gia. Áp dụng phương pháp lặp đi lặp lại này một cách khéo léo, đặc biệt khi quảng cáo cho một sản phẩm, chúng ta cũng có thể khiến người ta dễ bị thuyết phục bởi thông điệp của mình hơn.

Tính đồng nhất

Con người thường sẽ được thuyết phục bởi những thứ đồng nhất với những quan điểm họ có từ trước. Theo các nhà tâm lí học, đây chính là hành vi “thiên kiến xác nhận” (Confirmation Bias). Điều này có nghĩa là con người sẽ có xu hướng yêu thích và bị thu hút vởi những thông tin “xác nhận” những định kiến của họ từ trước và thường né tránh những thông tin trái ngược. Điều này dễ nhận thấy khi ta dùng mạng xã hội như Facebook, Instagram, Twitter,… Khi ta quan tâm về một vấn đề nào đó, ta thường sẽ follow, chia sẻ, bày tỏ ý kiến của mình nhiều hơn. Những nhà phát triển mạng xã hội cũng biết điều đó, và họ thiết kế những phần mềm để tính toán và cho những bài viết, video có cùng chủ đề và quan điểm mà ta yêu thích xuất hiện nhiều hơn. Đó cũng là một trong những lí do khiến người ta dễ bị nghiện mạng xã hội. Bởi lẽ, khi gặp được những thông tin “xác nhận” lại quan điểm của bản thân, con người dễ cảm thấy được đồng cảm và tin tưởng hơn. Vì vậy, khi bày tỏ một thông điệp, thể hiện sự đồng cảm hoặc đơn giản là nhắc lại ý kiến của người khác cũng là cách để ta dễ có được niềm tin và thuyết phục dễ dàng hơn. Đồng thời, ta cũng cần điều chỉnh và liên kết thông điệp của bản thân với đối tượng ấy để có thể thuyết phục một cách hiệu quả.

Những mẹo trên là những thủ thuật nhỏ trong tâm lí giúp bạn có thể truyền tải thông điệp của mình đến người khác và thuyết phục họ một cách dễ dàng hơn. Đồng thời, bạn có nhận ra mình cũng đã từng được thuyết phục bởi những thủ thuật này bao giờ chưa?  

My Linh Tran

References

Bryan, C. J., Yeager, D. S., Hinojosa, C. P., Chabot, A., Bergen, H., Kawamura, M., & Steubing, F. (2016). Harnessing adolescent values to motivate healthier eating. Proceedings of the National Academy of Sciences113(39), 10830-10835. https://doi.org/10.1073/pnas.1604586113

Medical Xpress. (n.d.). Medical Xpress – medical research advances and health news. https://medicalxpress.com/journals/proceedings-of-the-national-academy-of-sciences/

Bài viết liên quan

0 0 đánh giá
Đánh giá
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Bình luận
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận