Forget me not: Chapter 8 – Nghệ thuật của lắng nghe

Hỏi và đáp

Và một ngày đẹp trời, một người mà bạn yêu quý gặp phải chuyện buồn khiến họ phải suy nghĩ, sợ hãi, lo âu. Là một người tốt bụng và đầy tình yêu thương, bạn mong muốn giúp đỡ người ấy. Nhưng trước sự buồn bã, tức giận, đau khổ, hoặc lo lắng của người ấy, bạn lại cảm thấy vô cùng bối rối. Mình nên nói gì để an ủi? Hay mình chỉ nên im lặng lắng nghe? Mình nên làm gì để giúp người ấy? 

Thông thường khi gặp phải trường hợp như trên, đa phần chúng ta sẽ nói những câu như “Không sao đâu”, “Bạn sẽ ổn thôi”, “Bạn còn đỡ, tôi còn bị ABCDXYZ cơ”, “Bạn không nên làm như vậy, đáng ra bạn nên ABCDXYZ”. Tuy vậy, theo nhiều cuộc khảo sát của các nhà tâm lí học thì hầu như những lời khuyên này đều không có tác dụng “giúp đỡ” về mặt tinh thần cho người khác như chúng ta nghĩ. Thậm chí, nhiều người còn cảm thấy ức chế và lo âu nhiều hơn sau khi nghe những “lời khuyên” như vậy. Vì vậy, với tâm thế muốn giúp đỡ người mà ta quan tâm, chúng ta cần suy nghĩ về cách lắng nghe và giúp đỡ làm sao để thực sự có hiệu quả. Và biết đâu, một người khác quan tâm bạn cũng sẽ yêu thương và giúp đỡ bạn trong khoảng thời gian khó khăn tương tự thì sao?

  • Đừng cho rằng vấn đề sẽ tự biến mất

Nếu bạn cầm một chai nước trong một phút, bạn sẽ không cảm thấy gì cả. Nhưng nếu bạn giữ chai nước suốt một tiếng, vài tiếng, hay chỉ cần một ngày, tay của bạn sẽ vô cùng đau nhức và mệt mỏi. Sự lo âu, trầm cảm, đau khổ, buồn bã cũng vậy. Có thể người mà bạn đang quan tâm đã phải giữ “chai nước” ấy rất lâu và họ không thể buông bỏ ngay lập tức, cũng như cảm thấy khỏe hơn, vui hơn trong tích tắc được. Vì vậy, những câu nói như “Sẽ không sao đâu” hoặc “Hãy vui lên đi”, “Hãy kệ nó đi” sẽ chỉ khiến nạn nhân cảm thấy bất lực hơn, vì họ thực sự không thể làm được điều đó. Vì vậy, thay vào đó, bước đầu tiên bạn nên làm là lắng nghe tường tận về câu chuyện và cảm xúc của họ. Hãy hỏi họ về những gì họ suy nghĩ và cảm nhận và đừng ngại để họ chia sẻ. Bởi vì, trong giai đoạn chịu sự đau khổ, lo lắng về mặt tinh thần, con người sẽ càng nhạy cảm hơn về phản ứng của người xung quanh, nếu họ nhận ra rằng bạn cảm thấy họ làm phiền, sẽ rất khó để họ tiếp tục mở lòng với bạn.

  • Hãy để dành lời khuyên

Hãy cho bản thân một khoảng thời gian xác định để suy nghĩ về lời khuyên. Hãy tự đặt những câu hỏi như: “Họ đang thực sự cần gì?” hay “Họ biết gì và cảm thấy như thế nào?”. Ví dụ, nếu người yêu của bạn ấm ức kể với bạn về việc bị đồng nghiệp nói xấu. Bạn nghĩ rằng cô ấy/anh ấy đang cần điều gì từ bạn khi chia sẻ điều ấy? Cần lời khuyên nên làm thế nào? Hay cần được trấn an bằng cách tìm kiếm một sự đồng tình từ bạn? Hay cần được bạn chỉ ra nguyên do tại sao cô ấy/anh ấy lại bị nói xấu? Nếu bạn vẫn chưa rõ được nhu cầu của người ấy, hãy hỏi họ về nhu cầu tinh thần họ đang mong muốn. “Anh/em có thể làm gì để em/anh cảm thấy vui hơn?”, “Điều gì khiến anh/em cảm thấy như vậy?”. Chỉ khi bạn nắm rõ được nhu cầu của người ấy, hãy đưa ra lời khuyên hoặc sự giúp đỡ phù hợp.

  • Cho họ biết rằng họ đang được bạn quan tâm và yêu thương

Khi đọc đến những dòng này, có lẽ bạn rất quan tâm và mong muốn được giúp đỡ người bạn yêu quí. Vì vậy, hãy cho họ biết điều ấy. Bạn không chỉ có thể thể hiện sự quan tâm bằng cách yên lặng lắng nghe cảm xúc, khuyên nhủ, an ủi mà còn có thể cho họ một cái ôm hay đơn giản cho họ một chút thời gian để họ có thể khóc và chia sẻ suy nghĩ với bạn. Thông thường, con người chỉ thực sự chia sẻ những điều ấy với người mà họ yêu thương. Cũng giống như những con nhím thường xù gai với đối thủ để tỏ ra mạnh mẽ, con người thường chỉ yếu đuối và thể hiện bản chất thật của mình với người đáng tin tưởng. Nếu bạn là người ấy, xin chúc mừng, vì bạn là một bờ vai đáng tin cậy cho những người xung quanh. Và sẽ thật tuyệt vời nếu bạn có thể giúp họ cảm thấy an tâm và có thể trông cậy vào bạn trong những giai đoạn khó khăn. Có thể những sự giúp đỡ nhỏ bé, những chi tiết thường ngày hay đơn giản là những câu nói “Cám ơn bạn đã chia sẻ với mình” hay “Mình luôn ở đây, bạn có thể tìm mình bất cứ lúc nào bạn cần” hoặc “Hãy cứ chia sẻ, không có sự đánh giá nào ở đây hết”. Đó đều là những món quà vô giá mà bạn đã, đang và có thể sẽ tặng cho một người bạn yêu quí và hãy tin rằng họ thực sự rất cần chúng đấy!

  • Kéo họ thoát khỏi vòng lặp độc hại

Những người đang liên tục sự đau khổ, buồn bã, tiêu cực, lo âu và giận dữ thường đang bị “mắc kẹt” trong những vòng lặp độc hại. Ví dụ, một bạn học sinh thể hiện không tốt trong bài thi bị cha mẹ la mắng, đánh đập sẽ cảm thấy bất lực, tiêu cực, sợ hãi với việc học hành. Điều đó lại khiến cho sức khỏe, tâm lí và thể hiện trong lần thi tiếp theo bị ảnh hưởng, và vòng lặp sợ bị thất bại và căng thẳng với bài thi sẽ liên tục giày xéo bạn học sinh ấy. Vậy, trong trường hợp này, việc cần làm để giúp kéo bạn học sinh ra khỏi “vũng bùn vô đáy” này chính là thay đổi một nhân tố trong vòng lặp. Ví dụ, bạn học sinh gặp phải thất bại nhưng bạn lại giúp chỉ ra điểm tiến bộ của bạn ấy thay vì tập trung vào lỗi sai. Ngoài ra, bạn cũng có thể giúp bạn ấy hiểu rằng việc học hành cũng có thể trở nên thú vị bằng cách tham gia vào một nhóm bạn bè học tập cùng nhau hoặc đơn giản là sẽ được thưởng một cái bánh, cái kẹo nếu ngồi học tập trung được 1 giờ đồng hồ. Điều này sẽ giúp bạn học sinh cảm nhận được rằng mình sẽ có được phần thưởng cho việc học tập. Khi bạn ấy hiểu rằng hành động của bản thân sẽ đem lại kết quả tích cực, hành động ấy sẽ được tiếp diễn. Bằng cách sử dụng nguyên lí này, bạn sẽ giúp tạo ra một vòng lặp tích cực, lấn át đi vòng lặp tiêu cực ban đầu.

Đọc toàn bộ series ở đây.

Bài viết liên quan

0 0 đánh giá
Đánh giá
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Bình luận
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận