Tiêu tiền để mua hạnh phúc

Trong nhiều năm, nghiên cứu tâm lý dường như ủng hộ câu nói cũ, “Tiền không mua được hạnh phúc.” Nhưng sự thật phức tạp hơn nhiều. Khi bạn đạt đến một mức nào đó khi bạn không phải lo lắng về tiền bạc hàng ngày, một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng nhiều tiền hơn sẽ không làm tăng mức độ hạnh phúc của bạn. Tuy nhiên, nghiên cứu sau này, rút ​​ra từ các báo cáo tức thời về cảm xúc của hơn 33.000 người tham gia (họ đã sử dụng ứng dụng có tên “Track your happiness”) cho thấy những người có thu nhập cao hơn thường có cảm xúc tích cực hơn. Vì vậy, câu trả lời có thể là tiền mua được hạnh phúc. Đó là bởi vì những người có nhiều tiền hơn thường có nhiều cơ hội hơn để đưa ra những lựa chọn mang lại hạnh phúc. Nhiều nghiên cứu chứng minh giá trị hạnh phúc của việc tiêu tiền cho người khác, tạo ra những trải nghiệm đặc biệt và dành thời gian cho những hoạt động mà bạn yêu thích.

Tuy vậy điều này không hoàn toàn đúng nếu bạn rơi vào cái bẫy làm việc không ngừng nghỉ để có thu nhập cao, bạn sẽ là người thiếu thời gian. Lúc đó, bạn có thể làm từ thiện nhưng sẽ không thể theo đuổi sở thích của mình. Mặt khác, một số người trong chúng ta có thu nhập tương đối thấp có thể làm nhiều hơn cho người khác hoặc tiêu tiền của mình vào các hoạt động đặc biệt. Vì vậy, bản chất của việc hạnh phúc hay không sẽ phụ thuộc vào lựa chọn của bạn.

Đợi đã, vậy còn một chiếc ô tô ưa thích và một chiếc TV lớn thì sao? Điều đó có mang lại hạnh phúc không? Theo Sonja Lyubomirsky, giáo sư tâm lý học tại Đại học California, Riverside, đồng thời là tác giả của cuốn sách The How of Happiness, thì điều đó sẽ không xảy ra nếu bạn sẽ không còn thích chiếc TV đó trong vòng vài tháng sau khi sở hữu nó. Hầu hết mọi người có xu hướng chuyển sang mong muốn tiếp theo. Vì vậy, để chống lại khuynh hướng đó, chúng ta cần nuôi dưỡng một cách có ý thức “lòng biết ơn” đối với những gì chúng ta có. Vì vậy, để nuôi dưỡng hạnh phúc, đây là một số lời khuyên của chuyên gia từ các tác giả của cuốn sách Happy Money: Khoa học về chi tiêu thông minh hơn, chính là các giáo sư Elizabeth Dunn và Lara Aknin của Đại học British Columbia và Michael Norton của Trường Kinh doanh Harvard. Chúng ta cùng tham khảo nhé:

Mua kinh nghiệm

Cho dù đó là học may vá, bơi lặn hay dành thời gian với cháu ngoại, hãy theo đuổi các hoạt động và trải nghiệm mà bạn yêu thích. Nếu bạn thích nấu ăn, đầu tư vào nhà bếp có thể là phần chi tiêu xứng đáng, nhưng nếu muốn dùng số tiền ấy một cách hiệu quả nhất, bạn có thể tham gia các khóa học nấu ăn hoặc thử mua nguyên liệu và nấu một bữa cơm cho những người khó khăn.

Hãy làm cho việc tiêu tiền trở nên đặc biệt

Đừng đi ăn ngoài hàng ngày nếu bạn muốn đánh giá đồ ăn ở nhà hàng. Thay vào đó, hãy đến một nhà hàng chỉ vào những dịp đặc biệt. Bạn sẽ thấy trải nghiệm khác hoàn toàn và cảm thấy biết ơn nhiều hơn về những đồng tiền đã được chi ra.

Mua thời gian

Đừng chấp nhận một công việc lấy hết tất cả thời gian và sức khỏe của bạn chỉ vì được trả lương cao. Thiếu thời gian là một loại nghèo khó. Trong một nghiên cứu khoa học, những người đi làm liên tục nhiều giờ có chỉ số hạnh phúc thấp hơn so với những người trong công việc tương tự mà không làm liên tục trong thời gian dài. Đồng thời, những người sống gần nơi làm việc cũng có chỉ số hạnh phúc cao hơn, dù điều đó đồng nghĩa với chi phí đắt đỏ và phải ở trong những căn nhà chật hẹp hơn. Ngày nay, bạn có thể làm việc từ xa, nhưng đừng đánh giá thấp giá trị của những cuộc trò chuyện trực tiếp với đồng nghiệp, điều này cũng có liên quan đến chỉ số hạnh phúc của bạn.

Chia sẻ cho người khác

Bạn có thể ngạc nhiên khi biết rằng đối với gần như tất cả chúng ta – niềm hạnh phúc đến từ việc cho người khác đánh bại chính mình. Trong các nghiên cứu, ngay cả những người đang phải vật lộn để kiếm sống cũng cảm thấy hạnh phúc hơn sau khi giúp đỡ người khác. Điều này không chỉ áp dụng với đồng tiền, khi ta cho ai một phần nào đó, nhưng cũng xuất hiện những lúc ta nhường nhịn người khác, dù chỉ là cái bánh hay chiến thắng trong một trò chơi với em nhỏ. Khoa học mới đã cho thấy hạnh phúc không phải là những thứ bạn có mà là cảm giác của bạn hàng ngày. Vì vậy, đối xử tốt với người khác cũng là một cách tăng cường cảm giác hạnh phúc.

Chăm sóc bản thân

Nhiều nghiên cứu cho thấy ngủ đủ giấc và tập thể dục có liên quan đến tâm trạng tích cực. Nếu bạn nghĩ rằng mình không có đủ thời gian, hãy tự hỏi bản thân xem liệu bạn có thể từ bỏ các mục tiêu hoặc nghĩa vụ không mang lại lợi ích tốt nhất cho mình hay không. Đồng thời, ăn uống tốt cũng có liên quan đến hạnh phúc. Chúng ta nghĩ rằng đồ ngọt khiến chúng ta hạnh phúc, nhưng nghiên cứu đã phát hiện ra rằng ăn cá, trái cây và rau quả giúp cải thiện tâm trạng. Vì vậy, hãy dành thời gian để chuẩn bị bữa ăn lành mạnh và kết nối với bạn bè và gia đình.

Nếu bạn cảm thấy cuộc sống tài chính của mình quá khó khăn để có thể tận dụng bất kỳ lời khuyên nào trong số này, thì ít nhất là vào lúc này, đây là điều cần lưu ý: Hầu hết mọi người đều tự nhiên trở nên hạnh phúc hơn trong nửa sau của cuộc đời. Đó có thể là do giờ đây họ có nhiều thời gian hơn hoặc chọn tập trung nhiều hơn vào những gì được gọi là “những điều đơn giản trong cuộc sống”. Nhưng bạn chắn chắn có khả năng đạt được điều đó. Thực sự khoa học đã chứng minh, trên khắp thế giới, dù ở các nước giàu và nước nghèo, mọi người sẽ hạnh phúc hơn sau 50 tuổi.

Bản dịch

Trần Mỹ Linh

References

Money does buy happiness. (n.d.). Retrieved from https://www.psychologytoday.com/us/blog/open-gently/202212/money-does-buy-happiness

Bài viết liên quan

0 0 đánh giá
Đánh giá
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận