Forget me not – Chapter 4: Cho đi là nhận lại

Hỏi và đáp: 

Trong một lần đang hoàn thành thủ tục trong sân bay, tôi gặp phải một người đàn ông tầm 30 tuổi. Anh ấy bảo vừa mới bị cướp mất ví tiền, giấy tờ và cả điện thoại, cần tiền để đặt một cuốc xe về nhà. Nhưng lúc tôi đang chuẩn bị giúp đỡ thì một người bạn đi cùng lại nhắc nhở: “Cẩn thận bị lừa đấy! Mình không giúp ắt có người khác giúp, đi đi…” Sau đó tôi có đề nghị đặt giúp một chuyến xe Grab cho anh nhưng anh ái ngại chỉ xin gọi một cuốc điện thoại cho người thân rồi tiếp tục ngồi đợi. Tôi hỏi người bạn của tôi: “Nếu ai cũng nghĩ giống mình rồi sẽ không có ai giúp người đó thì sao nhỉ? Nếu đổi lại đó là một bà cụ hay một em bé thì liệu ta sẽ giúp nhiều hơn không?” Và người bạn tôi đáp: “Lúc đó thì phải khác rồi!”

______________________________________________________________________________

Theo tâm lí học, giúp đỡ là một hành vi của con người mang lại nhiều giá trị tích cực cho các mối quan hệ và cộng đồng. Tuy nhiên, hành vi này có thể xuất phát từ lòng tốt và cũng có thể xuất phát từ sự ích kỉ. Thoạt nghe ta có thể cảm thấy bất ngờ, tại sao người có tính ích kỉ lại giúp đỡ? Giả sử, khi nhìn thấy một người bị ốm nặng, có hai loại người sẽ giúp đỡ. Người có lòng tốt sẽ giúp đỡ với tâm thế rằng: “Chà, người này chắc đang cảm thấy mệt lắm, mình cần giúp để anh ta đỡ hơn.” Tuy vậy, cũng có người lại suy nghĩ rằng: “Nhìn khuôn mặt thảm thương của người này mình sẽ cảm thấy mệt theo mất, mình sẽ giúp để mình cảm thấy thoải mái hơn và mọi người cũng sẽ thấy mình là người tuyệt vời.” Chính vì lẽ đó, không phải mọi hành động giúp đỡ đều đến từ lòng tốt của mỗi người mà đôi khi còn có nhiều tâm tư khác.

Cùng làm với mình một bài kiểm tra nho nhỏ nhé:

BẠN SẼ CỨU AI?

  1. Bạn đang đứng trên một vực thẳm và chồng/vợ của bạn (50 tuổi) cùng đứa con (15 tuổi) của bạn đang sắp bị ngã xuống vực. Bạn sẽ cứu ai?
    • A. Chồng/vợ      
    • B. Đứa con
  2. Dù vậy, vào một ngày đẹp trời khác, bạn lại đang ở trên một chiếc thuyền sắp bị chìm cùng một đứa con (5 tuổi) và một đứa con (1 tuổi). Cả hai đứa con đều cùng giới tính và không biết bơi. Và chúng có thể sẽ chết vì nước chảy xiết. Bạn sẽ cứu ai?
    • A.Đứa 5 tuổi     
    • B. Đứa 1 tuổi
  3. Nếu trên thuyền ấy là hai đứa con gái chưa chồng của bạn, một đứa 30 tuổi và một đứa 20 tuổi. Bạn sẽ cứu ai?
    • A. Đứa 30 tuổi   
    • B. Đứa 20 tuổi
  4. Vào một ngày khác, hai đứa con của bạn bị ngã nhẹ, một đứa 5 tuổi và một đứa 1 tuổi. Cả hai đứa nhỏ đều không bị thương nặng. Khi ấy, bạn sẽ giúp ai?
    • A. Đứa 5 tuổi      
    • B. Đứa 1 tuổi

Dựa vào những bài kiểm tra tương tự, các nhà tâm lí học đã tìm ra được quy luật của sự giúp đỡ của con người. Trong bài nghiên cứu của nhà khoa học Burnstein, Crandall và Kitayama (1994) đã chứng minh rằng, con người sẽ có xu hướng giúp những người có gần họ hàng của mình trước và trong trường hợp sự cố nhỏ, ta sẽ giúp những người có sức khỏe yếu hơn trước. Nhưng khi trong thời khắc sinh tử, thường ta sẽ giúp những người có sức khỏe tốt hơn trước. Điều này không chỉ dựa vào sự kết nối xã hội mà còn thực sự được ghi dấu vào gene của chúng ta, khiến những phản ứng này trở thành những hành vi tự nhiên của con người.

Vậy còn đối với những người khác thì sao? Theo nghiên cứu của hai nhà khoa học Lantane và Darley (1970), hành vi giúp đỡ được chia thành 5 giai đoạn: nhận biết, phiên dịch, trách nhiệm, quyết định và giúp đỡ. Và chỉ khi ta thông qua hết 5 giai đoạn này, con người mới bắt đầu giúp đỡ.

Nhận biết

Khi chúng ta đang suy nghĩ, vội vàng hoặc tập trung vào một việc gì đó, chúng ta thường sẽ không nhận biết được những việc đang xảy ra xung quanh. Chính vì vậy, khi đang ở trên một con đường đông đúc vào thời điểm mọi người đang vội vàng vào giờ làm, chúng ta sẽ rất khó khiến người khác chú ý vì đơn giản não bộ của con người có cơ chế riêng cho việc tập trung và họ sẽ không nhận thấy sự tồn tại của bạn. Cũng vì điều này, nhiều người bị cướp giật, thậm chí gặp tai nạn giữa thanh thiên bạch nhật, nhưng lại hoàn toàn không được phát hiện, chú ý và giúp đỡ.

Phiên dịch

Sự rõ ràng của tình huống và phản ứng chung của đám đông sẽ là chìa khóa để con người “phiên dịch” rằng ta có cần phải làm gì với tình huống ấy hay không. Trong một thí nghiệm của Lantane và Darley (1968), một tình nguyện viên được ngồi trong một căn phòng. Sau 5 phút, bỗng dưng khói lớn xuất hiện trong phòng. Họ nhận thấy 75% tình nguyện viên sẽ phản ứng ngay lập tức và tìm cách dập tắt đám khói. Tuy vậy, nếu để tình nguyện viên cùng 3 diễn viên khác trong cùng căn phòng, và 3 người kia không hề có phản ứng, chỉ có 10% tình nguyện viên sẽ tìm cách dập đám khói. Đây chính là hiện tượng “Sợ bị sai trước mặt người khác” khi ta có hành vi khác với những người khác trong đám đông. Vì vậy, đừng để nỗi sợ này khiến ta trở nên thờ ơ trước mọi tình huống cuộc sống chỉ vì những người khác cũng thờ ơ.

Trách nhiệm

Trong nghiên cứu của Lantane và Darley (1968), khi ở trong một nhóm lớn hoặc nơi đông người, ta sẽ ít có cảm giác trách nhiệm hơn khi phải giúp đỡ người khác. Điều này không chỉ do nỗi sợ “sai trước mặt người khác” mà còn có thể do hiệu ứng “người qua đường” và những yếu tố xã hội khác. Như người bạn của tôi trong câu chuyện đầu chương sợ bị người đàn ông kia lừa gạt. Có thể điều này do người bạn đã tiếp xúc nhiều với những bài báo, câu chuyện về những người lừa đảo trên đường phố hoặc chính bạn ấy đã trải nghiệm điều đó. Cùng với hiệu ứng tâm lí “người qua đường”, ta sẽ tự nhủ rằng “sẽ có người khác thay ta giúp đỡ”, ta sẽ từ chối trách nhiệm giúp đỡ người khác. Vì vậy, trong trường hợp khẩn cấp, làm sao để tạo cảm giác trách nhiệm với người khác để ta có thể xin sự giúp đỡ? Hãy chọn ra một người trong đám đông và hãy chỉ họ cần phải làm gì. Ta có thể hét to rằng: “Anh áo cam ơi, giúp tôi gọi cảnh sát với, tôi bị cướp!”. Điều này sẽ giúp giảm hiệu ứng người qua đường và khiến họ nhận thức trách nhiệm của bản thân và ta sẽ dễ nhận được sự giúp đỡ hơn.

Quyết định

Sau khi ta nhận biết sự việc và cảm thấy có trách nhiệm, con người sẽ đi đến bước quyết định có nên giúp hay không. Tại thời điểm này, họ sẽ cân nhắc liệu có cần phải bỏ ra những gì khi giúp đỡ không? Liệu giúp đỡ có xứng đáng không? Nếu không giúp họ có cảm thấy hối hận, bức rức với lương tâm không? Điều này cũng khiến ta sẽ dễ giúp những người già, trẻ em và phụ nữ hơn là những người đàn ông, thanh niên trông khỏe mạnh. Bởi những định kiến có sẵn khiến ta cảm thấy giúp đỡ những người yếu hơn sẽ đem lại nhiều cảm xúc tích cực hơn và nếu không giúp, ta sẽ cảm thấy khó chịu với chính lương tâm của mình hơn.

Giúp đỡ

Bước cuối cùng, cũng là bước quan trọng nhất. Theo bài nghiên cứu của Cialdini, Darby và Vincent (1973), con người ta sẽ dễ giúp đỡ người khác hơn. Vì sự thật rằng là giúp đỡ người khác sẽ giúp ta xả đi những trạng thái tiêu cực và cải thiện sức khỏe tinh thần nhanh chóng. Chính vì vậy, vô vàn những bậc vĩ nhân, cha ông ta, trường học và cả xã hội loài người đều khuyên nhủ, hướng chúng ta đến với sự “cho đi là nhận lại”. Điều này hoàn toàn đúng vì ngay khi ta đang giúp đỡ một ai đó, chúng ta đã nhận lại được món quà cho chính sức khỏe tinh thần của bản thân. Nếu bạn đang có một ngày tồi tệ, hãy thử ra ngoài, chú ý đến một ai đó trên đường đang cần sự giúp đỡ và hãy dang rộng vòng tay để làm một điều gì tốt đẹp. Bạn sẽ cảm thấy áp lực và nỗi buồn vơi đi nhiều đấy.

Mỹ Linh Trần

Bài viết liên quan

0 0 đánh giá
Đánh giá
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận