Forget me not – Chapter 3: Vận hành cảm xúc

Hỏi và đáp:

“Chuyện gì đã làm bạn cảm thấy xấu hổ nhất?”. Một bạn nữ với biệt danh Lynx đã trả lời: “Tôi đã mời tất cả các bạn học của tôi vào năm lớp 6 đến buổi tiệc sinh nhật của tôi tại khu trò chơi bowling. Tôi đã gởi lời mời trước hôm ấy tận 2 tuần. Gia đình tôi đã đặt phòng tiệc, đồ ăn, một chiếc bánh sinh nhật cực to và 15 túi quà. Kết quả là, KHÔNG MỘT AI ĐẾN! Tôi đã không thể tưởng tượng được bố mẹ tôi đã cảm thấy thế nào. Nhưng tôi đã cố bịa ra những câu chuyện về bữa tiệc để kể với bạn cùng lớp của tôi vào ngày hôm sau.”

______________________________________________________________________________

Bạn có bao giờ tự hỏi rằng tại sao con người chúng ta lại có nhiều cảm xúc đến vậy? Chúng ta “học” được những cảm xúc đó từ đâu? Và công dụng của chúng là gì?

Chúng ta cần được thuộc về

Trong tập san Bản tin tâm lí học từ năm 1995, hai nhà khoa học Baumeister và Leary đã tìm thấy rằng một con người bình thường luôn có một nhu cầu đặc biệt – đó chính là cần được thuộc về. Nhu cầu ấy được thể hiện bằng mong muốn được gặp gỡ, kết nối, và có tương tác với bất cứ một nhóm nào trong xã hội. Nhu cầu này xuất hiện từ thưở sơ khai, khi con người bắt đầu nhận ra rằng kết nối và sống theo “bầy đàn” sẽ nâng cao khả năng sống sót và duy trì nòi giống. Trải qua giai đoạn tiến hóa, điều này ngày càng được khắc sâu vào gene của chúng ta, khiến ta hầu như sẽ có mong muốn xây dựng các mối quan hệ với cá thể khác một cách tự nhiên. Điều này hệt như khi thấy khát thì ta tìm nước và khi thấy mối nguy hiểm thì ta bỏ chạy. Và chính mong muốn được thuộc về tạo cho chúng ta những “cảm xúc xã hội” như xấu hổ, ghen tuông, yêu thích, tự hào, cô đơn, tủi thẹn,… Tùy vào từng tình huống mà mức độ của những cảm xúc liên tục thay đổi và thể hiện sự mong muốn được “hòa nhập” vào nhóm xã hội của bản thân.

Xấu hổ

Khi ta sống trong một cộng đồng, chúng ta thường tự “định giá” bản thân và có xu hướng muốn tạo những ấn tượng tốt về bản thân của mình trước mặt người khác theo nhiều cách khác nhau.  Vì vậy, khi chúng ta trải nghiệm một tình huống nào đó khó xử hoặc khiến bản thân trở nên xấu đi trong mắt người khác theo cách ta không mong muốn, ta sẽ bắt đầu để ý đến sự đánh giá của họ và để ý hơn về chính bản thân mình. Để giá trị của bản thân không bị tụt đi và tránh bị “đá” khỏi cộng đồng, cơ thể của chúng ta sẽ có thể trải qua những phản ứng tự nhiên như đỏ mặt, tăng nhiệt độ, tăng nhịp tim, lời nói lắp bắp hơn, run rẩy, cảm giác khó chịu – thứ được gọi tắt là cảm giác xấu hổ. Chúng ta sẽ bắt đầu “tự động” cố gắng giải thoát cho bản thân bằng cách tự trấn an, đổ lỗi, đổi chủ đề, tự trách hoặc bịa đặt một yếu tố khác giúp ta xoay chuyển tình hình và giảm bớt cảm xúc “xấu hổ”. Thêm vào đó, kể cả khi chuyện tiêu cực đã qua lâu, chúng ta thường vẫn tiếp tục để ý lỗi sai khiến ta xấu hổ và có thể sẽ bắt chước những người khác trong nhóm nhiều hơn, cố gắng thể hiện các điểm tốt của mình nhiều hơn.

Tại sao chúng ta lại phải làm vậy? Chính những cảm xúc tự nhiên đó giúp chúng ta đạt được mục tiêu – bảo vệ giá trị của bản thân và được tiếp tục là một phần trong cộng đồng của mình. Cũng giống như cô bé trong câu chuyện được chia sẻ ở trên, cô bé đã cảm thấy rất khó chịu và ngày hôm sau đã bịa những câu chuyện về bữa tiệc để kể với bạn dù thật sự đã không có ai đến dự sinh nhật của cô ấy. Những câu chuyện bịa đặt ấy là cách mà cô bé bảo vệ giá trị chính mình và tiếp tục xây dựng mối quan hệ với các bạn cùng lớp.

Theo góc nhìn của tâm lí học, sự “xấu hổ” cũng thể hiện sự thay đổi hành động trong tương lai và là dấu hiệu của cảm giác có lỗi. Vì vậy, xấu hổ thường được ví như một lời xin lỗi không được nói ra nhưng khiến người khác có thể cảm nhận được. Khi đó, những người trong cộng đồng sẽ có phản ứng ít gay gắt hơn, có xu hướng giúp đỡ, cảm thông và thậm chí tin tưởng với “người bị xấu hổ” nhiều hơn. Điều này hoàn toàn phù hợp với mong muốn của người có cảm xúc xấu hổ vì họ có cơ hội nâng cao giá trị bản thân và kết nối lại với nhóm.

Chúng ta cũng cần được kiểm soát

Bạn có thể nghĩ rằng, tại sao cô bé không giận dữ và nghỉ chơi với những người bạn tồi tệ ấy luôn? Thật sự, cô bé hoàn toàn có thể phản ứng như vậy, bước ra khỏi “cộng đồng” của lớp và tìm đến một “cộng đồng khác. Ngoài nhu cầu được thuộc về, con người còn có nhu cầu được kiểm soát về bản thân và mối quan hệ của chính mình. Điều này có thể được thể hiện bằng cách gây sự chú ý, kiểm soát người khác, bỏ đi hoặc thậm chí là trả thù. Tuy nhiên, loại nhu cầu này thưởng chỉ mạnh mẽ khi ta nhận thấy rằng nhu cầu được thuộc về chắc chắn không được đáp ứng. Ví dụ, trong trường hợp của cô bé trong câu chuyện trên, ngay cả khi cô bé có những hành động “hòa nhập” nhưng liên tục bị các bạn từ chối, công kích, phớt lờ hoặc thậm chí cười cợt và những chuyện như “buổi sinh nhật trống không” tái diễn. Điều này sẽ khiến cô bé nhận ra rằng chắc chắn mình sẽ không được thuộc về cộng đồng ấy và cô bé sẽ bắt đầu có những cảm xúc, thái độ, hành động để đáp ứng nhu cầu kiểm soát. Cô bé sẽ có thể không muốn nói chuyện, giận dữ, tránh né hoặc đi tìm một nhóm mới để tham gia.

Hiểu bản thân, hiểu người khác

Không chỉ xấu hổ, những cảm xúc khác của con người cũng có cách vận hành và công dụng tương tự. Khi ta hiểu được lí do tại sao ta và những cá thể khác có những cảm xúc và hành động khác nhau khi tương tác với nhau trong những tình huống cuộc sống hằng ngày hay những cuộc trò chuyện, ta có thể cảm thông với người khác nhiều hơn. Vì thực sự, dù đối phương có những cảm xúc tiêu cực, hay có những phản ứng khiến ta bất ngờ, ta cũng có thể hiểu rằng đó là do những “phản ứng” tự nhiên của cơ thể. Và đồng thời, ta có thể làm một chút gì đó để đáp ứng một phần nhu cầu của họ và cho họ nhiều cơ hội hơn để kết nối. Với chính bản thân ta, hiểu được cảm xúc và nhu cầu của bản thân cũng là cách để ta có thể điều chỉnh suy nghĩ và hành động để mang đến lợi ích tốt nhất cho những mối quan hệ xã hội và sức khỏe tinh thần của chính mình. Bạn có suy nghĩ gì về những mối quan hệ của bản thân ở hiện tại?

Mỹ Linh Trần

Bài viết liên quan

0 0 đánh giá
Đánh giá
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Bình luận
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận