Bạn có đang bị thao túng tâm lý?

Theo tờ báo The Guardian, thao túng tâm lý là một hình thức tra tấn tâm lý cưỡng chế và ngấm ngầm. Trong đó, hành vi “Gaslighting” là một thủ thuật tâm lí dùng để kiểm soát tâm lý và tinh thần của nạn nhân bằng những thông tin sai trái khiến họ sợ hãi và hoài nghi chính mình. Từ “gaslight” bắt nguồn từ một vở kịch vô cùng nổi tiếng của nhà văn Patrick Hamilton vào năm 1938. Vở kịch lấy bối cảnh về một gia đình thượng lưu của cặp vợ chồng Jack và Bella. Jack đã ngoại tình nhưng khi Bella biết chuyện và phản đối, anh ta liên tục bảo rằng cô đã tưởng tượng tất cả mọi thứ và liên tục phủ nhận. Thậm chí, Jack còn giấu đồ của Bella để cô ấy cảm thấy nghi ngờ về sự tỉnh táo của bản thân. Vào buổi tối, anh ta bí mật lên tầng gác và châm lửa vào dây bấc nối xuống tầng để đèn ở tầng dưới tự động sáng lên. Điều này khiến Bella càng ngày nghi ngờ về cảm xúc và sự tỉnh táo của bản thân và khi đó Jack – kẻ bạo hành có thể dễ dàng kiểm soát. Đây là một vở kịch làm sáng tỏ sự thật về kiểm soát cưỡng chế và thao túng hôn nhân nói riêng cũng như cảnh tỉnh cho những người đang trải qua mối quan hệ độc hại mà không hề hay biết. Từ đó, thuật ngữ “gaslighting” được dùng để chỉ một loại hình thức tra tấn tâm lí, dùng để làm mất phương hướng của nạn nhân, khiến họ không ngừng hoài nghi chính bản thân mình.

Trong cuốn Gaslighting của Stephanie Sarkis có đề cập về các dấu hiệu cảnh báo về hành vi Gaslighting. Vậy chúng ta cùng xem qua các dấu hiệu của những người thao túng tâm lí người khác nhé:

Lời xin lỗi của họ luôn có điều kiện

Khi một người nói: “Tôi xin lỗi nhưng do bạn đã làm ABC nên tôi đành phải vậy…”, đây không phải là một lời xin lỗi về hành vi của họ. Hoặc nếu họ nói: “Tôi xin lỗi vì bạn cảm thấy như vậy”. Đây cũng không phải là một lời xin lỗi chịu trách nhiệm về phía họ.

Họ “đam mê” chia rẽ

Những người “Gaslighter” rất thích sự chia rẽ. Họ có thể nói dối bạn về một người khác, hoặc nói rằng một người bạn chung đã nói gì đó không tốt về họ.

Giả vờ không hiểu, không nghe

Những người thao túng tâm lí có thể sẽ giả vờ lảng đi, không nghe và không hiểu khi có nhiều bằng chứng chống lại họ. Họ cũng có thể từ chối chia sẻ cảm xúc và vờ như không có gì xảy ra mặc dù họ chính là thủ phạm gây ra cuộc chiến.

Kích động, xúi giục, đánh lạc hướng

Thường những “Gaslighter” không phải là người đứng ra tranh cãi, nhưng họ là người kích động tâm lí và xúi giục người khác. Và sau đó sẽ thoải mái đứng bên ngoài theo dõi chính cuộc hỗn loạn mà họ gây ra. Họ có thể xúi giục bạn bôi nhọ và nói xấu người khác. Nhưng khi bạn làm theo lời họ, họ sẽ âm thầm rời đi để gánh hậu quả và bày ra vẻ thân thiện giả tạo.

Họ có thể đánh lạc hướng bằng cách nhấn mạnh rằng trí nhớ của nạn nhân đã sai và chối bỏ sự thật họ đã làm một việc gì sai. Những câu nói như “Anh/em đâu có bảo vậy!” hoặc “Anh/em chẳng bao giờ nhớ gì cả.”, “ Rõ ràng anh/em đang tưởng tượng chứ làm gì có chuyện như vậy!”. Khi liên tục chất vấn suy nghĩ của người khác, nạn nhân sẽ dần cảm thấy hoài nghi quan điểm và chính bản thân mình.

Tầm thường hóa tội lỗi của mình

Những kẻ “Gaslighter” sẽ thường không coi trọng cảm xúc của người khác và thậm chí khiến nạn nhân cũng coi nhẹ chính cảm xúc của bản thân họ. Những câu nói được sử dụng để thao túng thường là “Anh/em nhạy cảm quá đấy!” hoặc “Chuyện chẳng có gì mà sao làm quá lên vậy!” hay “Anh/em không hiểu chuyện gì cả.” Họ cũng có thể sẽ chiến tranh lạnh và hôm sau lại tỏ ra như không có gì. Đây là những biểu hiện rằng họ không hề muốn giải quyết vấn đề và không quan tâm đến cảm xúc của nạn nhân.

Bất kì ai cũng có thể là một “Gaslighter”, gia đình, bạn bè, người thân, vợ chồng, đồng nghiệp, và có thể là chính chúng ta. Quá trình thao túng tâm lí có thể diễn ra chậm rãi và “trông như vô hại”. Tuy nhiên, khi trải qua thời gian dài liên tục bị thao túng, nạn nhân sẽ trở nên ngày càng lo lắng, sợ hãi, thiếu tự tin, trầm cảm và hoang mang về chính bản thân mình. Khi đó, kẻ bạo hành sẽ ngày càng có sức mạnh áp đảo và khiến nạn nhân phải phụ thuộc, quỵ lụy họ. Vì vậy, chúng ta cần phải luôn tỉnh táo để tránh bị thao túng tâm lí và đồng thời cũng chú ý chính lời nói và hành động của mình để tránh trở thành một kẻ “Gaslighter”. Vậy cần làm gì để tránh bị thao túng tâm lí? Bạn có thể thử tham khảo những cách sau nhé:

Xác định hành vi thao túng Đầu tiên, bạn cần phải xác định mình có đang bị thao túng hay không. Hãy quay lại cái “dấu hiệu nhận biết” phía trên để chắc chắn rằng mình đang gặp vấn đề trong mối quan hệ với ai và tầm quan trọng của mối quan hệ ấy. Hãy liệt kê và xem xét lại cả hành động, lời nói của cả họ và bản thân mình. Tập trung vào cảm xúc và hành vi của bản thân sau mỗi khi gặp gỡ và trò chuyện với người ấy, có thể bạn sẽ nhận thấy những điểm bất thường đấy.

Ngừng tập trung vào người khác, hãy tập trung vào bản thân mình

Khi bạn cảm thấy hoang mang và hoài nghi vào chính bản thân mình. Hãy dừng lại một chút, cố gắng bình tĩnh và suy xét lại những điều bản thân thật sự muốn và cảm xúc hiện tại. Hãy đặt ra câu hỏi cho bản thân rằng liệu mình có cần phải sống và đánh đổi bất cứ điều gì vì người khác hay không? Liệu lời nói của người ấy có thực sự đáng tin và thực sự là do “muốn tốt cho mình” hay không? Cảm xúc của bạn như thế nào?

Hãy tập trung nhiều hơn vào công việc, học tập và phát triển bản thân. Làm cho bản thân mình bận rộn hơn sẽ giúp bạn “thoát ly” khỏi dòng chảy của suy nghĩ và giúp bạn bình tĩnh hơn nhiều. Bạn có thể ra ngoài chạy bộ, xem một bộ phim hay, nói chuyện với bạn bè, gia đình và tự thưởng cho bản thân bằng thứ mình thích. Khi bạn cảm thấy tự tin và tích cực về bản thân, những chiêu trò thao túng tâm lí sẽ không có ảnh hưởng mạnh đến bạn.

Thẳng thắn bày tỏ, trình bày rõ ràng

Hãy trình bày thẳng thắn nhu cầu của mình và lựa chọn thời điểm để người ấy có thể lắng nghe như “Anh/em hiện tại có đang rảnh không, em/anh cần có chuyện muốn bàn bạc.”

Nếu có cơ hội, hãy thu thập những chứng cứ để giải thích cho bản thân. Đây có thể là tin nhắn, hình ảnh, thời gian của những cuộc trò chuyện. Nếu là những vấn đề quan trọng có thể liên quan đến pháp lí, hãy dùng thiết bị ghi âm những cuộc trò chuyện quan trọng hoặc mời thêm nhân chứng.

Đừng vội nổi nóng hoặc mất bình tĩnh, điều đó sẽ dễ dàng hơn cho những kẻ thao túng tâm lí. Đồng thời, hãy bình tĩnh nói ra suy nghĩ, quan điểm kèm với những dẫn chứng của bản thân. Nếu những kẻ thao túng nói rằng những hành vi bạo hành của họ chỉ là “những trò đùa” hoặc “vì muốn tốt cho bạn thôi mà”, hãy yêu cầu họ giải thích về trò đùa ấy và làm rõ với họ rằng cách thao túng này không hiệu quả đối với bạn. Đồng thời, cũng nhấn mạnh về phần trách nhiệm của bản thân chỉ có giới hạn nếu bạn cảm thấy họ đang cố tình đòi hỏi vô lí.

Hãy tìm kiếm sự giúp đỡ

Bạn có thể chia sẻ cảm xúc với bất kì ai bạn tin tưởng. Điều đó có thể sẽ giúp bạn bình tâm đối diện với mọi chuyện và cảm thấy được cảm thông và giúp đỡ. Đôi khi, những lời khuyên của những người tỉnh táo cũng sẽ có ích với bạn. Tuy nhiên, đừng cố gắng lôi kéo họ về “phe” của mình, hãy chỉ để họ quan sát mọi chuyện xảy ra và bên cạnh chia sẻ cảm xúc.

Bị thao túng tâm lí và thao túng người khác đều là những thứ không mang lại hiệu quả tốt cho các mối quan hệ xã hội và có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lí, sức khỏe tinh thần và thậm chí gây ra mâu thuẫn nghiêm trọng. Vì vậy, hãy luôn tỉnh táo và cảnh giác để tránh nhé.

Trần Mỹ Linh

References

Abuse prevention: How to turn off the gaslighters. (2019, March 2). Retrieved from https://www.theguardian.com/lifeandstyle/2019/mar/02/abuse-prevention-how-to-turn-off-the-gaslighters

Crystal R. (2022, June). 8 ways to deal with Gaslighting. Retrieved from https://www.healthline.com/health/how-to-deal-with-gaslighting#get-space

Bài viết liên quan

0 0 đánh giá
Đánh giá
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận